Ngành nhựa chinh phục thị trường khó tính và kỳ vọng khởi sắc cuối năm

Tồn kho của các thị trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam có dấu hiệu giảm nên kỳ vọng tiệu thụ sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong các tháng cuối năm.

Có mặt ở nhiều thị trường khó tính

Theo Thanh Niên, theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa trong 5 năm qua luôn đạt ở mức từ 12 – 15%/năm. Tổng doanh thu ngành nhựa hiện đã đạt trên 25 tỉ USD, xuất khẩu chiếm 22%, sản phẩm nhựa Việt có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc và cộng đồng các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha…

Kim ngạch xuất khẩu nhựa tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỉ USD trong năm 2018 lên 5,5 tỉ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12 – 20%/năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực là bao bì, các loại tấm, phiến, màng nhựa; các sản phẩm dùng trong vận chuyển đóng gói, nhựa gia dụng, đồ dùng trang trí, vải bạt tarpaulin.

Kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là lợi thế lớn để gia tăng sản lượng xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam ở thị trường quan trọng này.

Đến nay, Việt Nam có thể sản xuất được các loại nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Ngành nhựa Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong những năm tới nhờ sự cải thiện năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước từ các nhà máy hóa dầu: Long Sơn, Dung Quất, SCG và Nhà máy sản xuất nhựa Hyosung.

Đây là các nhà máy cung cấp nguyên liệu đáp ứng hơn 30% nhu cầu nguyên liệu trong nước hiện nay. 70% còn lại được nhập khẩu từ các thị trường như: Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore…  Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu tăng trưởng đều qua các năm, từ 5,589 triệu tấn trong năm 2018 tăng lên 7,12 triệu tấn trong năm 2022.

Tồn kho của các thị trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam có dấu hiệu giảm nên kỳ vọng tiệu thụ sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong các tháng cuối năm. 

Kỳ vọng phục hồi dịp cuối năm

Theo Tin Nhanh Chứng Khoán, thông tin từ Tổng cục Thống kê, ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Tại Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023 – 2028) ngày 25/10, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Chủ tịch HĐQT CTCP Rạng Đông Holding (mã RDP) chia sẻ, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại từ cuối năm 2022 đến nay do những ảnh hưởng từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19 nói riêng.

Trong những tháng gần đây, xuất khẩu nhựa đang có sự hồi phục, tháng sau cao hơn tháng trước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tiếp đà tăng trưởng trong tháng 7, sang tháng 8, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam tiếp tục tăng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong tháng 8 đạt 466,8 triệu USD, dù giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tăng 6,8% so với tháng 7. 

Hiện tại, tồn kho của các thị trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam đã có dấu hiệu giảm nên VPA kỳ vọng tiệu thụ sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong các tháng cuối năm 2023, đơn hàng các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn. Đồng thời, kỳ vọng đầu ra nội địa và quốc tế cũng có tiến triển tích cực trong cả năm 2024.

Nhìn về xu hướng trong cả giai đoạn 2023 – 2028, Chủ tịch VPA chỉ ra ngành nhựa thế giới nói chung và Việt Nam sẽ có 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.

Thứ hai, do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ hướng đến chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng.

Thứ ba, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Thứ tư, do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ năm, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay và định hướng xu hướng kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy móc, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong tương lai.

Kỳ vọng nhu cầu tăng trở lại

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp ống nhựa như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh đang được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian tới, khi nhu cầu ống nhựa cải thiện cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản. Trong khi đó, ngành xây dựng Việt Nam được hỗ trợ bởi các yếu tố như dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, dòng vốn FDI ổn định.

Sản lượng tiêu thụ ống nhựa được kỳ vọng cải mạnh từ quý II/2024, khi ngành xây dựng bước vào thời gian cao điểm sau dịp Tết Nguyên đán. FPTS dự phóng, sản lượng tiêu thụ ống nhựa giai đoạn 2024 – 2027 sẽ tăng trưởng với tốc độ kép 5,9%/năm, riêng năm 2024 tăng 7%.

Với Nhựa Bình Minh, FPTS nhận định, giá bán thành phẩm năm 2023 sẽ duy trì ở mức cao nhờ có hệ thống phân phối lớn và vị thế vững chắc tại miền Nam. Qua đó, biên lợi nhuận gộp năm nay ước đạt 38,9%, tăng mạnh so với mức 27,7% năm ngoái.

Mới đây, SSI đã điều chỉnh tăng 32% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Nhựa Bình Minh so với dự báo trước đó, do giá hạt nhựa PVC thấp hơn dự kiến. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt là 5.300 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng (tăng 46% so với năm ngoái).

Đối với doanh nghiệp sản xuất túi màng mỏng xuất khẩu như Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán AAA), phân khúc khách hàng tập trung ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, sức cầu cải thiện khi lạm phát dần hạ nhiệt sẽ đem lại triển vọng kinh doanh tích cực.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hàng tồn kho của các thị trường đã có dấu hiệu giảm, tiêu thụ sản phẩm nhựa trong những tháng cuối năm 2023 kỳ vọng dần khởi sắc. Sự phục hồi của ngành hàng tiêu dùng và xây dựng sẽ mở ra những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp nhựa Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực bao bì và nhựa xây dựng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành nhựa từ đầu năm 2023 đến ngày 12/9 nhìn chung có diễn biến khả quan, như cổ phiếu TTP tăng hơn 50%, cổ phiếu AAA tăng 39,6%, cổ phiếu BMP tăng 48,7%, cổ phiếu NTP tăng hơn 19%, một phần nhờ thị trường chung tăng điểm, một phần phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của doanh nghiệp ngành nhựa.

Theo Tạp chí điện tử Người đưa tin: https://www.nguoiduatin.vn/nganh-nhua-chinh-phuc-thi-truong-kho-tinh-va-ky-vong-khoi-sac-cuoi-nam-a632800.html

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *